Trang chủNghiên cứuTác giả tác phẩm Công trình Tiếng việt trên các miền đất nước (Phương ngữ học tiếng việt) của GS.TS. Hoàng Thị Châu | Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005
Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005
Phương ngữ học là khoa học nghiên cứu các vấn đề về tiếng địa phương của ngôn ngữ. Ở Việt Nam, đầu thế kỉ XX đã có người đặt vấn đề bàn về giọng, về tiếng nói ở các địa phương, các vùng miền của nước ta, nhưng phải đến năm 1989 cuốn sách Tiếng việt trên các miền đất nước (Phương ngữ học) được ấn hành thì dấu mốc lớn nhất trong nghiên cứu phương ngữ tiếng Việt mới thực sự được đánh dấu.
Sau gần 30 năm nghiên cứu và giảng dạy môn Phương ngữ học tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Hoàng Thị Châu mới chính thức cho công bố công trình của mình. Khảo sát rộng và sâu, tích lũy nhiều về lý luận và phương pháp, phân tích một cách khoa học, sáng rõ và thuyết phục về bức tranh phương ngữ Việt cũng như quá trình hình thành và diễn biến của chúng. Bà đã cống hiến cho ngành Việt ngữ học nước nhà một công trình nghiên cứu có giá trị khoa học xuất sắc, đặt viên đá tảng cho sự hình thành và phát triển nghiên cứu, giảng dạy về Phương ngữ học ở Việt Nam.
1. Về mặt lý luận và phương pháp nghiên cứu, công trình Tiếng việt trên các miền đất nước có lối tiếp cận rất đặc thù của phương ngữ học: tiếp cận liên ngành ngôn ngữ - lịch sử - xã hội - văn hóa. Vì thế, ngay từ đầu, tác giả của sách đã xác định: phương ngữ là biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân được hình thành một cách lịch sử, trong quá trình lịch sử; và phương ngữ học được định vị ở ranh giới của nhiều ngành khoa học như dân tộc học, xã hội học, lịch sử, địa lý. Nó, vì vậy có địa vị của một khoa học liên ngành.
Quan điểm tiếp cận của cuốn sách có thể xem như là sự đặt nền móng vững chắc về phương pháp luận cho phương ngữ học Việt Nam. Không ở đâu nhà ngôn ngữ học phải tiếp cận cùng một lúc với nhiều hiện tượng như trong phương ngữ học. Nếu một nhà ngữ pháp học chỉ cần chú ý đến cái mã của ngôn ngữ và tìm ra các cấu trúc là anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ, thì nhà phương ngữ học bắt buộc phải có một cách tiếp cận liên ngành. Bên cạnh việc phác họa cấu trúc của một phương ngữ, nhà nghiên cứu còn phải am hiểu địa lý, lịch sử, văn hóa ... tất cả mọi mặt của cái xã hội nhỏ bé mà anh ta khảo sát tiếng nói của nó.
2. Chính lối tiếp cận về lý luận và phương pháp nêu trên đây đã dẫn đường để cuốn sách đi tới những giá trị và đóng góp khoa học xuất sắc. Cụ thể là, công trình này đã:
- Giới thiệu và phân tích những vấn đề lý luận của phương ngữ học và các phương pháp pháp nghiên cứu phương ngữ.
Đặc biệt, phần lớn công trình này đã dành để:
- Khảo sát và trình bày về kết quả phân vùng phương ngữ tiếng Việt.
- Phân tích so sánh ngữ âm và cả từ vựng, ngữ pháp (trong đó, chủ yếu là so sánh ngữ âm) giữa các vùng phương ngữ.
- Lý giải những khuynh hướng biến đổi, những khác biệt giữa các vùng.
- Phân tích các bình diện xã hội, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ trong quá trình hình thành và tồn tại của phương ngữ, thổ ngữ, vai trò và đường hướng phát triển, thay đổi của phương ngữ trong tiến trình phát triển của ngôn ngữ dân tộc.
3. Về bức tranh toàn cảnh các phương ngữ Việt, sách miêu tả trên cả chiều không gian (địa lý) lẫn chiều thời gian (lịch sử) và kèm theo đó là cả bình diện xã hôi, văn hóa của các vấn đề và sự kiện hữu quan. Ở đây, sự đa dạng của tiếng Việt trong không gian chỉ là những hiện hữu bề mặt. Ẩn sâu dưới những hiện hữu bề mặt ấy, là những biến thiên lịch sử - xã hội qua các thời kỳ, là những quá trình biến động dân cư trong quá trình hình thành đất nước. Tác giả của sách đã phân tích và chỉ ra một cách hữu lý rằng: sự hình thành ba vùng phương ngữ lớn (phương ngữ Bắc ở vùng Bắc Bộ, phương ngữ Trung gồm miền Bắc Trung bộ kéo dài đến đèo Hải Vân, phương ngữ Nam gồm toàn bộ phần còn lại của đất nước) và những khác biệt giữa chúng với nhau là kết quả của quá trình di dân, mở đất từ Bắc vào Trung, rồi từ Trung và Bắc cùng di trú vào, hội nhập ở vùng Nam Bộ.
Trong sự khác biệt đó, phương ngữ Bắc hình thành đầu tiên ở cái nôi của người Việt cổ là châu thổ Bắc Bộ. Tiếp đó, với quá trình di dân từ châu thổ Bắc Bộ vào vùng Khu Bốn cũ mà phương ngữ Trung được hình thành với một trạng thái tiếng Việt nguyên thủy từ buổi đầu, làm cho phương ngữ này còn lưu giữ nhiều nhất những yếu tố cổ của tiếng Việt. Trong khi đó, phương ngữ Bắc lại có những biến đổi, dẫn tới một diện mạo cách tân hơn và gần với ngày nay.
Quá trình mở đất phương Nam mấy trăm năm trước đã thu hút những bộ phận cư dân từ vùng Trung Bộ, Bắc Bộ vào vùng Nam Bộ. Chính quá trình cộng cư trên vùng đất phương Nam đã làm nảy sinh và lớn mạnh lên của phương ngữ Nam, một phương ngữ có độ pha trộn khá mạnh nhưng màu sắc hiện đại thì rõ nét.
Trước Tiếng việt trên các miền đất nước, những khác biệt của phương ngữ Nam so với phương ngữ Trung và Bắc thường được cho là do ảnh hưởng của các ngôn ngữ bản địa cũ là tiếng Khmer và tiếng Chăm, còn ảnh hưởng của tiếng Hán từ những người Hoa vùng Hoa Nam sự di liên tục đến Nam Bộ trong suốt vài ba thế kỷ gần đây, đã không được tính đến. Bằng các khảo sát liên ngành và với phương pháp phân tích khoa học, hợp lý, tác giả của sách đã chứng minh rằng trong quá trình hình thành các khác biệt về ngữ âm của phương ngữ Nam, có sự ảnh hưởng và tác động rất đáng kể từ của tiếng Hoa của người Hoa Nam nói chung (Hoa Kiều), người Triều Châu nói riêng di trú đến vùng đất này trong thời gian lịch sử không xa ngày nay. Tác giả đã cho thấy phương ngữ không chỉ phản ánh lịch sử đất nước mà còn phản ánh phần nào quá trình tiếp xúc ngôn ngữ ngôn ngữ trong quá khứ lịch sử.
Các nhân tố lịch sử, văn hóa, xã hội đã cùng góp phần làm nảy sinh phương ngữ và ngược lại, qua lăng kính nghiên cứu phương ngữ, nhiều vấn đề, nhiều nhân tố và sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội có thể được làm sáng tỏ thêm.
4. Tiếng việt trên các miền đất nước đã giới thiệu và mô tả những biến thể địa phương vô cùng đa dạng của tiếng Việt, tìm những cứ liệu lịch sử để lý giải nguyên nhân xã hội cùng với các qui luật biến đổi ngữ âm tạo ra sự đa dạng đó. Tác giả cũng cố gắng vận dụng những tư liệu lịch sử và ngôn ngữ có được để xác định niên đại cho các mốc biến đổi. Từ kết quả nghiên cứu của công trình này, có thể nói không quá rằng người quan tâm đến lịch sử tiếng Việt có thể tìm thấy trên bản đồ phương ngữ sự ảnh xạ trong không gian sự diễn biến của nó trong thời gian.
Mặt khác, các ngành như lịch sử, dân tộc học, lịch sử văn hóa, văn học dân gian ..., lúc này hay lúc khác, đều có thể tìm thấy cho mình những tư liệu có giá trị. Ở những nơi mà mọi di tích hầu như biến mất thì phương ngữ lại có thể như cái kho chứa đựng nhiều hiện thực trong quá khứ mà nhà khoa học có thể tìm thấy được.
5. Với những cống hiến giá trị khoa học như chúng tôi nêu tóm tắt trên đây, năm 2005, Hội đồng Giải thưởng Quốc gia về Khoa học và Công nghệ đã trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ cho công trình khoa học này.
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn