(Tác giả: Trần Trí Dõi, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, 371 trang)
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoà
Cuốn sách dẫn dắt người đọc một cách tự nhiênđi vào lĩnh vực lí thú nhưng cũng khá hóc búa của ngôn ngữ học: nghiên cứu so sánh-lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt - Mường ở khu vực Đông Nam Á.
Phải nói rằng trong giới ngôn ngữ học, việc chọn lựa đi vào nghiên cứu các vấn đề về ngôn ngữ học so sánh-lịch sử nhìn chung không mấy người mặn mà, chứ chưa nói gì đến sự đam mê, bởi lẽ đơn giản là muốn nghiên cứu nó “đến đầu đến đũa” thì trước hết người nghiên cứu phải có một khối tư liệu lớn, đủ để chứng minh cho những biến đổi lịch sử của ngôn ngữ xảy ra trong khoảng thời gian dài, thậm chí rất dài, để mà so sánh lần tìm ra cội nguồn và quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ. Trước một khối tư liệu ngôn ngữ mênh mông, nhưng vẫn còn cần phải tiếp tục đi điều tra và thu thập bổ sung để nghiên cứu so sánh-lịch sử, nhiều người đã cảm thấy choáng ngợp, thậm chí không đủ tính kiên nhẫn và sự say mê nên đã không dám đi đến đích cuối cùng! Tác giả Trần Trí Dõi thì khác! Ông đã có cả một quá trình hơn 20 năm kiên trì theo đuổi mục đích, trải qua nhiều năm tháng đeo ba lô “lội suối trèo non” đi điều tra điền dã nhóm ngôn ngữ Việt- Mường của cộng đồng cư dân định cư ở dãy núi Trường Sơn thuộc vùng Bắc Trung Bộ để có được khối tư liệu ngôn ngữ khá đầy đủ và phong phú. Ông muốn có trong tay những tư liệu sống động để chứng minh cho các kết luận được rút ra trong nghiên cứu so sánh-lịch sử nhóm ngôn ngữ này ở Đông Nam Á. Leo cau đã đến lúc trẩy buồng, tác giả đã cho ra mắt cuốn chuyên luận chắc chắn sẽ được giới ngôn ngữ học nước nhà đón nhận với sự trân trọng và tin cậy.
Chuyên luận gồm 6 chương, trong đó 3 chương đầu đề cập chủ yếu đến nhiệm vụ và những thao tác nghiên cứu ngữ âm lịch sử của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử; 3 chương sau trình bày những kết quả thu được khi áp dụng các thủ pháp nghiên cứu so sánh-lịch sử ngữ âm đối với một nhóm ngôn ngữ cụ thể - nhóm ngôn ngữ Việt-Mường.
Chương 1 giới thiệu khái quát về lịch sử của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử (tr.17- 62). Chương này đề cập đến giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử thế giới với hai tên tuổi thường được nhắc đến ở thế kỷ XVIII: William Johns - người đã căn cứ vào căn tố động từ và hình thức ngữ pháp để chứng minh các tiếng Sancrit, Hy Lạp và Latinh có quan hệ họ hàng; và Friedrich von Schlegel - người đã chỉ ra rằng giữa tiếng Sancrit với các tiếng Hy Lạp, Latinh, Ba Tư và các ngôn ngữ German có quan hệ họ hàng không chỉ thể hiện ở mặt từ vựng mà còn ở mặt cấu tạo ngữ pháp. Tiếp đến là giai đoạn phát triển của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử ở thế kỷ XIX - giai đoạn đánh dấu khuynh hướng nghiên cứu mối quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ trong sự phát triển lịch sử với 4 tên tuổi đại diện: Franz Bopp, Rasmus Christain Rask, Jakob Grimm và Aleksandr Khristoforovits Vostokov. F. Bopp coi tiếng Sancrit là ngôn ngữ mẹ của những ngôn ngữ khác còn lại trong họ Ấn-Âu; R. Ch. Rask là người đã xác định một cách đúng đắn quan hệ thân thuộc của các ngôn ngữ Ấn-Âu và chỉ ra rằng tiếng Hy Lạp tuy là ngôn ngữ rất cổ nhưng không phải là ngôn ngữ để từ đó tạo thành ngôn ngữ Bắc Âu; J. Grimm được mệnh danh là một trong những người sáng lập ra ngôn ngữ học so sánh-lịch sử (trước Grimm là ngôn ngữ học so sánh) với câu nói nổi tiếng: “Ngôn ngữ của chúng ta là lịch sử của chúng ta” và chính ông đã xác định được vị trí quan trọng của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử; còn A. Vostokov là người đã góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu so sánh-lịch sử các ngôn ngữ Slavơ và các ngôn ngữ Ấn-Âu.
Tác giả chuyên luận chỉ ra rằng vào cuối thế kỷ XIX, việc nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh-lịch sử được khẳng định và phát triển để trên thực tế toàn cảnh ngôn ngữ học thế kỷ XIX thực sự là thế kỷ của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử. Đến thế kỷ XX thì ngôn ngữ học so sánh-lịch sử đã trở thành khuynh hướng nghiên cứu riêng biệt với đóng góp quan trọng của Ferdinand de Saussure ở phương diện phân biệt hai trục tiếp cận lịch đại và đồng đại của ngôn ngữ học. Chuyên luận cũng cho thấy nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh-lịch sử thế kỷ XX đã tiến một bước dài so với thế kỷ trước với các nhà nghiên cứu so sánh-lịch sử nổi tiếng như F. de Saussure, A.G.Haudricourt, L. Bloomfield .... Chuyên luận cũng đề cập đến tình hình ngôn ngữ học so sánh-lịch sử sau những năm 60 của thế kỷ XX, đặc biệt là những vấn đề về tiếp xúc và vay mượn ngôn ngữ là những vấn đề không thể bỏ qua trong nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh-lịch sử.
Phần tiếp theo cuốn sách đề cập đến sự hình thành một họ ngôn ngữ trong ngôn ngữ học so sánh-lịch sử với quan niệm “chia tách đều đặn” (regular divergence), “chia tách-kết hợp”(divergence - convergence) và khái niệm “cơ tầng” trong ngôn ngữ học so sánh-lịch sử.
Chương 2 đề cập đến nhiệm vụ nghiên cứu của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử (tr. 63 - 117). Nhiệm vụ chung của việc nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh-lịch sử là xác lập mối quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ, từ nhiệm vụ chung đó nhà nghiên cứu so sánh-lịch sử phải hướng tới giải quyết hàng loạt vấn đề cụ thể liên quan đến “cội nguồn” ngôn ngữ. Sau khi có những hiểu biết đầy đủ về nguồn gốc của một ngôn ngữ nào đó thì bước tiếp theo là những công việc hết sức phức tạp luôn gắn liền với việc nghiên cứu từ vựng lịch sử hay ngữ pháp lịch sử của mỗi ngôn ngữ. Với cách trình bày ngắn gọn, chuyên luận đã giới thiệu cùng người đọc những thao tác thực hiện nhiệm vụ chung của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử mà trước hết là nhận diện nguồn gốc ngôn ngữ bằng so sánh từ vựng. Tuy nhiên các kết quả của việc so sánh từ vựng chỉ cho những nhận xét, kết luận có giá trị như một giả thiết để tiếp tục làm việc. Đặc biệt tác giả chuyên luận đã chỉ ra rằng không thể áp dụng nguyên xi và máy móc những thao tác nghiên cứu được rút ra từ việc nghiên cứu nguồn gốc các ngôn ngữ Ấn-Âu đối với trường hợp các ngôn ngữ Đông Nam Á như kiểu tiếng Việt hay tiếng Thái ở Việt Nam. Do vậy, để nhận diện nguồn gốc ngôn ngữ vùng Đông Nam Á, bên cạnh vai trò của việc so sánh từ vựng lịch sử, nhà nghiên cứu không thể bỏ qua việc nghiên cứu so sánh ngữ pháp lịch sử. Tuy có quan điểm đồng thuận với A.G. Haudricourt cho rằng trong nghiên cứu so sánh-lịch sử ở khu vực này, “cái quyết định là từ vựng cơ bản”, nhưng tác giả chuyên luận cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng tuy vậy đây vẫn không phải là cái quyết định “cuối cùng” trong số tất cả các tiêu chí để nhận diện nguồn gốc ngôn ngữ. Đó là lí do tại sao tác giả cho rằng không nên chỉ thuần túy dựa vào việc so sánh từ vựng để rút ra kết luận cuối cùng trong nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á. Chuyên luận cũng đã nêu rõ trong nghiên cứu so sánh-lịch sử, nhất thiết phải nhận biết được trong những tương ứng (equivalent) từ vựng đâu là những tương ứng thể hiện mối quan hệ cội nguồn, còn đâu chỉ đơn thuần là những tương ứng do vay mượn mà có được. Bước tiếp theo là nhận diện nguồn gốc ngôn ngữ bằng xác lập những quy luật biến đổi ngữ âm. Điều quan trọng để nhận diện một hiện tượng biến đổi ngữ âm có quy luật là phải chỉ ra được biến đổi ấy đã xảy ra đồng loạt trong các từ hoặc các đơn vị tương đương với từ, thứ hai là những biến đổi ấy phải luôn luôn là sự biến đổi của âm trong các từ. Thiếu đi một trong hai dấu hiệu này thì khó lòng nhận thấy được một biến đổi ngữ âm có quy luật trong lịch sử phát triển của một ngôn ngữ nào đó. Tác giả chuyên luận cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu so sánh-lịch sử chính là xác lập những quy luật phát triển chung giữa các ngôn ngữ có họ hàng từ tiền ngôn ngữ, nên phải chỉ ra đâu là những nhân tố có từ tiền ngôn ngữ quy định sự phát triển chung, đâu là những nhân tố có từ tiền ngôn ngữ tác động đến sự phát triển khác nhau giữa các ngôn ngữ thành phần, và như vậy cần phải tái lập tiền ngôn ngữ cho một ngôn ngữ cụ thể, vì thực chất nó sẽ là thao tác có tính kết luận khi xác lập nguồn gốc ngôn ngữ.
Ngoài nhiệm vụ chung, ngôn ngữ học so sánh-lịch sử còn có những nhiệm vụ cụ thể khác. Sau nhiệm vụ nghiên cứu ngữ âm lịch sử, nhiệm vụ tiếp theo sẽ là nghiên cứu từ nguyên và từ vựng lịch sử . Đối với tiếng Việt, khi được xác định là một ngôn ngữ thuộc họ Nam Á thì người nghiên cứu phải nhận diện trong vốn từ hiện nay của tiếng Việt đâu là từ thuộc gốc Nam Á, đâu là các từ thuộc những họ ngôn ngữ khác như Nam Đảo, Thái - Kađai, Hán - Tạng, v.v... đã gia nhập vào ngôn ngữ Nam Á này. Mặt khác, nhà nghiên cứu cũng phải chỉ ra trong vốn từ vựng của ngôn ngữ đang xem xét những từ nào là những từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ thuộc họ khác không phải cội nguồn. Có thể lấy ví dụ trong lịch sử tiếng Việt: những từ cổ Hán Việt như mùa, mùi, bến, buồm, buồng, búa, múa, v.v... là những từ thể hiện đầy đủ cả hai yêu cầu trên. Sau bước nghiên cứu từ nguyên là nghiên cứu từ vựng lịch sử của một ngôn ngữ. Đối với trường hợp tiếng Việt, việc nghiên cứu từ vựng lịch sử ở một vài vấn đề của nó chỉ có thể thực hiện được từ thế kỷ XV, bởi vì hiện nay chúng ta chỉ có một vài văn bản ghi chép lại tiếng Việt sớm nhất là từ thế kỷ XV mà thôi.
Chuyên luận cũng nêu rõ trong những nhiệm vụ cụ thể khác của nghiên cứu so sánh-lịch sử có nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Từ thực tế của lịch sử tiếng Việt và nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, tác giả cho rằng quan trọng hơn cả là nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tên riêng (proper name) và địa danh (toponym) với những ví dụ liên quan đến lịch sử tiếng Việt: địa danh sông Hồng – một chứng tích “đa dạng văn hóa” trong lịch sử người Việt; tên gọi thuần Việt của trống đồng trong tiếng Việt.
Chương 3 trình bày những thao tác nghiên cứu ngữ âm lịch sử trong ngôn ngữ học so sánh-lịch sử (tr. 119 - 166), bao gồm các vấn đề: những biểu hiện hình thức của sự biến đổi ngữ âm, quy luật biến đổi ngữ âm trong những ngôn ngữ cùng họ hàng. Cụ thể đó là sự tương ứng (equivalent) được thể hiện dưới dạng đồng nhất âm thanh, như mưa (Việt ), mưa (tiếng Việt, Bắc Trung Bộ), mưa (Mường N.V.Khang), kumÙa (Rục) , mìə (Arem); dưới dạng khác biệt đều đặn, như hai (Việt), hai (VBTB), hal (MNVK), hal (R), hæ:l(Ar); dưới dạng khác biệt thường xuyên, như con (Việt), con (VBTB), con (MNVK), kɔn (R), kɑ:n(Ar); dưới dạng khác biệt bắt (vắt) cầu. Tương ứng ngữ âm thể hiện dưới dạng khác biệt bắt cầu là dạng tương ứng gián tiếp phải nhờ tới việc nhận diện tương ứng với những dạng thức khác hoặc với một ngôn ngữ thứ ba khác. Về thực chất, những tương ứng này là sự “khác biệt bắt cầu” mà trước đây những đơn vị âm thanh này đã từng giống nhau (có thể lấy việc so sánh cặp từ olon của tiếng Hy Lạp và sárvam của tiếng Ấn Độ cổ với nghĩa “tất cả, mọi cái”chẳng hạn). Điều quan trọng là, trong ngữ âm học lịch sử khi nói tới sự khác biệt âm thanh trong tương ứng ngữ âm thì nhất thiết sự khác biệt ấy phải nằm trong vùng cho phép khác biệt của một âm cụ thể. Vùng cho phép khác biệt trong biến đổi ngữ âm của một âm cụ thể, về bản chất, là do sự quy định của phương thức (manner of articulation) và vị trí (point of articulation) cấu âm của âm thanh đang được xem xét.
Tiếp theo tác giả trình bày những quy tắc biến đổi của ngữ âm và nêu rõ, khi nhận diện quy luật biến đổi ngữ âm trong một ngôn ngữ hay nhóm ngôn ngữ chúng ta có nhiệm vụ xác lập mối liên hệ lịch sử giữa những yếu tố biến đổi có quy luật, nhưng khi nhận diện những quy tắc biến đổi ngữ âm thì chúng ta phải giải thích bản chất những mối liên hệ lịch sử ấy. Và điều quan trọng là nhận diện các quy tắc biến đổi ngữ âm mới chính là việc chỉ ra những cơ sở quy định thao tác tái lập tiền ngôn ngữ.
Về vấn đề tái lập và những thao tác tái lập tiền ngôn ngữ tác giả chuyên luận trình bày khá chi tiết thủ pháp xác định thời gian tương đối trong tái lập tiền ngôn ngữ (trong đó nêu nhiệm vụ, nguyên tắc thực hiện, những chú thích về tiền ngôn ngữ khi tái lập), những thủ pháp nghiên cứu khác (trong đó có thủ pháp tái lập “bên trong”, thủ pháp tái lập “bên ngoài”, thủ pháp tái lập sử dụng tư liệu “ngữ văn”). Tác giả lưu ý rằng trong nghiên cứu so sánh-lịch sử, khi tư liệu bên trong đầy đủ thì công việc tái lập tiền ngôn ngữ mới được thực hiện dễ dàng.
Chương 4 nghiên cứu lịch sử hình thành hệ thanh điệu nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (tr. 167- 252). Nếu ở chương trước tác giả trình bày những thủ pháp nghiên cứu so sánh-lịch sử ngữ âm thì ở chương này tác giả đã áp dụng những thủ pháp đó vào nghiên cứu lịch sử hình thành hệ thống thanh điệu của nhóm ngôn ngữ Việt-Mường. Có thể nói, lịch sử hình thành hệ thống thanh điệu nhóm ngôn ngữ Việt-Mường là hiện tượng đặc thù ở vùng Đông Nam Á và việc nghiên cứu này cũng là ví dụ quan trọng bổ sung cho phương pháp nghiên cứu so sánh-lịch sử.
Theo A.G.Haudricourt, ở giai đoạn tiền Việt - Mường tiếng Việt là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu, nhưng hiện nay nó có sáu thanh. Như vậy, lịch sử hình thành thanh điệu của tiếng Việt là từ không có thanh điệu đến có sáu thanh điệu. Tiếng Việt hiện đại là một ngôn ngữ có thanh điệu, điều này cho thấy trong quá trình lịch sử của mình, tiếng Việt đã biến đổi khá xa so với các ngôn ngữ Môn-Khmer cùng gốc ban đầu. Lập luận của A.G.Haudricourt có tính khái quát rất cao và được coi như lý thuyết để giải thích hiện tượng thanh điệu của các ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á là khu vực ngôn ngữ có thanh điệu. Khi đề cập đến thực chất của sự tương ứng thanh điệu giữa tiếng Việt và tiếng Thái, tác giả chuyên luận nhấn mạnh người đầu tiên đặt vấn đề sử dụng thanh điệu làm dẫn liệu chính yếu nhất trong nghiên ngữ âm lịch sử tiếng Việt không phải là A.G.Haudricourt mà là H. Maspero - người nêu rõ vấn đề tương ứng thanh điệu giữa tiếng Thái và tiếng Việt giữ một vai trò then chốt trong cách lý giải nguồn gốc tiếng Việt, và cũng theo H.Maspero, thanh điệu phải là một hiện tượng có mặt ở giai đoạn tiền ngôn ngữ, nói cách khác, thanh điệu là một hiện tượng gắn liền với nguồn gốc ngôn ngữ trong một giai đoạn nhất định. Thừa hưởng những kết quả nghiên cứu của H.Maspero về sự tương ứng thanh điệu giữa tiếng Thái và tiếng Việt làm thành ba loạt tùy theo chỗ âm đầu các từ Thái là vô thanh bật hơi, vô thanh không bật hơi hay hữu thanh, A.G.Haudricourt năm 1954 đã xây dựng nên một “sơ đồ về nguồn gốc các thanh” mà từ sơ đồ này chúng ta có thể nhận được rất nhiều thông tin, trong đó có: một là, vào giai đoạn tiền Việt-Mường, tương ứng với thời kỳ đầu công nguyên, khi tiếng Việt đã tách ra khỏi khối Môn-Khmer, tiếng Việt là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu như hầu hết các ngôn ngữ Môn-Khmer khác hiện nay trong khu vực Đông Nam Á; hai là, vào khoảng thế kỷ VI, tương ứng là giai đọan Việt-Mường cổ, tiếng Việt đã là một ngôn ngữ có ba thanh; ba là, vào khoảng thế kỷ XII, tương ứng là giai đoạn Việt-Mường chung, tiếng Việt có một sự biến đổi quan trọng là các âm đầu hữu thanh của thời kỳ tiền Việt-Mường bị mất tính thanh và trở thành các âm đầu vô thanh (gọi là hiện tượng vô thanh hóa). Lúc này hệ thống ba thanh điệu của tiếng Việt-Mường cổ chuyển thành hệ thống sáu thanh ở giai đoạn Việt-Mường chung. Vào thời kỳ lịch sử này tiếng Việt và tiếng Mường hiện nay đang là một ngôn ngữ chung duy nhất nên, về nguyên tắc, tiếng Mường cũng sẽ là một ngôn ngữ có sáu thanh điệu như tiếng Việt; bốn là, sau giai đoạn Việt-Mường chung tiếng Việt chuyển sang con đường phát triển của riêng mình và từ đây là giai đoạn tiếng Việt cổ của nó. Tuy nhiên, chuyên luận cũng nêu lên một số bất cập về lý thuyết thanh điệu tiếng Việt của A.G.Haudricourt liên quan đến khía cạnh biến tố của thanh điệu, một vấn đề đã được nhiều nhà ngôn ngữ học nhận xét và từng bước bổ sung cho những bất cập ấy, chẳng hạn, A.Ju.Efimov, G.Difftoth, M.Ferlus và tác giả chuyên luận này đều cùng hướng tới cách giải thích sự hiện diện đồng thời ba cặp ngang-huyền, sắc-nặng và hỏi-ngã ở những vần Việt có âm cuối vang. Tuy nhiên, cách giải thích của A.Ju.Efimov, G.Difftoth chỉ phù hợp với các ngôn ngữ Nam Á (mà các ngôn ngữ Nam Á cho đến nay vẫn là những ngôn ngữ chưa có thanh điệu); M.Ferlus thì giải thích sự hiện diện đồng thời ba cặp thanh điệu này là do ảnh hưởng của tiếng Hán cổ, còn Trần Trí Dõi nêu ra sự lí giải của mình thuần túy là một sự loại suy chứ chưa có tư liệu để chứng minh. Ba cách giải thích này đều “cố ý” bỏ qua tình trạng những vần Việt có âm cuối vang mang thanh hỏi-ngã và cho rằng những từ như thế khó là từ gốc Việt chân chính. Theo tác giả cuốn sách, đây là một vấn đề còn bỏ ngỏ cần được cân nhắc thêm khi có đầy đủ tư liệu.
Một điều quan trọng nữa mà tác giả nhấn mạnh ở chương này là, vấn đề xuất hiện thanh điệu của tiếng Việt không phải là vấn đề của riêng tiếng Việt mà là một vấn đề chung cho những ngôn ngữ khác nhau trong khu vực, Và, theo cách nói của A.G.Haudricourt, tính khu vực ở đây phải chăng là giữa “tiếng Thái, và tiếng Hán cổ xưa, cũng như tiếng Miao-yao chung” (như dự đoán của A.G.Haudricourt) với tiếng Việt.
Dễ nhận thấy rằng, hiện thực thanh điệu của các ngôn ngữ Việt-Mường là một bức tranh vô cùng đa dạng và phức tạp. Vì vậy, chỉ có nhờ những tư liệu thu thập được, tác giả chuyên luận mới rút ra được những nhận xét có giá trị về lý luận và thực tiễn đối với việc nghiên cứu thanh điệu của những ngôn ngữ, thổ ngữ Việt-Mường, như tác giả đã nêu ra các trạng thái thanh điệu sau đây: a/ Sáu thanh của tiếng Việt (Bắc Bộ và những phương ngữ khác), của một số thổ ngữ tiếng Mường (như Mường Đằm) và của tiếng Cuối Chăm; b/ Năm thanh của các thổ ngữ Việt (từ Thanh Hóa vào Sài Gòn), một số thổ ngữ Mường (như Mường Khói, Mường Tân Phong, Mường Vang và các thổ ngữ Nguồn); c/ Bốn thanh ở một vài thổ ngữ Việt thuộc các làng Mai Bản, Yên Lương (Nghệ An), Hương Hóa, Cao Lao Hạ (Quảng Bình), ở tiếng Sách hay tiếng Rục, ở tiếng Thà Vựng và tiếng Pọng hay Toum; d/ Hai thanh là trường hợp tiếng Maleng ở Lào. Tác giả chuyên luận cũng cho thấy, khác với những thổ ngữ có sáu thanh, sở dĩ có những thổ ngữ Việt chỉ có năm thanh là do ban đầu những thổ ngữ này cũng đã qua trạng thái biến đổi sáu thanh, nhưng sau đó mới có một thanh bị lẫn lộn để chỉ có năm thanh (lẫn lộn thanh ngã vào thanh hỏi và thanh ngã vào thanh nặng). Ngoài ra, trong biến đổi lich sử thanh điệu của tiếng Việt nói riêng và các ngôn ngữ Việt-Mường nói chung, chúng ta phải tìm ra được đâu là những biến đổi theo tính lịch đại (diachronic), đâu là những biến đổi do tiếp xúc.
Trong chương này, tác giả chuyên luận đã cho thấy đóng góp mới của mình cho vấn đề lý thuyết hình thành thanh điệu qua sự phân tích thanh điệu nhóm ngôn ngữ Việt - Mường: “Chúng tôi thấy rằng có một chi tiết trong lý thuyết do A.G.Haudricourt khởi xướng nên được điều chỉnh (chúng tôi nhấn mạnh - NXH). Đó là thời gian diễn biến của quá trình rụng đi của những âm cuối tắc và xát...xảy ra hoàn thành không đồng thời như nhau. Và bổ sung này...là một bổ sung mới trong nghiên cứu hình thành thanh điệu tiếng Việt nói riêng và nhóm ngôn ngữ Việt - Mường nói chung” (tr. 350-351).
Chương 5 nghiên cứu quy luật vô thanh hóa và mũi hóa âm đầu trong nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (tr. 253 - 319). Ở chương này tác giả trình bày khá chi tiết hệ thống âm đầu của một vài ngôn ngữ thành viên nhóm Việt-Mường, lập danh sách các âm đầu của tiếng Việt theo M. Ferlus; danh sách các âm đầu của tiếng Mường theo Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Văn Tài; danh sách các âm đầu tiếng Cuối ở Tân Kỳ (Nghệ An); danh sách các âm đầu tiếng Rục; danh sách các âm đầu tiếng Thà Vựng; danh sách các âm đầu tiếng Arem. Tiếp theo cuốn sách đề cập đến việc tái lập hệ thống âm đầu tiếng Việt-Mường, tái lập danh sách âm đầu tiền Việt-Mường. Sau đó tác giả trình bày về quy luật vô thanh hóa và mũi hóa âm đầu trong nhóm ngôn ngữ Việt-Mường với những lưu ý sau: Một là, cả hiện tượng vô thanh hóa lẫn mũi hóa đều có sự khác biệt ở hai vị trí cấu âm trước và hai vị trí cấu âm sau. Ở quy luật vô thanh hóa, hai âm ở vị trí môi và đầu lưỡi (răng) đã chuyển thành âm hút vào, trong khi đó hai âm ở vị trí giữa lưỡi và gốc lưỡi vẫn lưu giữ trạng thái vô thanh. Ở quy luật mũi hóa âm đầu tình hình xảy ra cũng tương tự như vậy. Hai là, hình như ở tiếng Việt việc xử lý các âm đầu tiền Việt-Mường trước đây là khá nhất quán, trong khi đó ở các ngôn ngữ phi Việt (cả các ngôn ngữ đơn tiết lẫn các ngôn ngữ song tiết) việc xử lý chúng đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Ba là, nếu các thổ ngữ hay ngôn ngữ phi Việt chịu sự tiếp xúc ngôn ngữ đa dạng hơn bản thân tiếng Việt thì sự biến đổi ngữ âm của tiếng Việt mới là sự biến đổi duy trì tính tuần tự điển hình nhất trong lịch sử phát triển của nhóm Viêt-Mường.
Chương 6 nghiên cứu quy luật xát hóa âm đầu trong nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (tr. 253 - 319). Theo tác giả chuyên luận, quy luật xát hóa (spirantization) âm đầu là hệ quả của một quy luật biến đổi khác - đó là quy luật đơn tiết hóa các dạng thức tiền Việt-Mường trong các ngôn ngữ hay thổ ngữ Việt-Mường. Ở chương này tác giả trình bày tình trạng song tiết và bán song tiết trong nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, mô tả tình trạng song tiết và bán song tiết, tính chất song tiết của tiếng tiền Việt-Mường. Tác giả cũng nói về quy luật xát hóa âm đầu trong nhóm Việt-Mường, nêu những ví dụ minh họa chi tiết cho quy luật xát hóa trong tiếng Việt với những lưu ý sau: Một là, nét nghĩa từ vựng thuộc vào lớp cơ bản của những ví dụ đang xét nói lên rằng, những đơn vị có âm đầu bị xát hóa nhìn chung là thuộc lớp từ cơ bản. Hai là, biến đổi đang xét trong các ngôn ngữ Việt-Mường thông qua các ví dụ xát hóa cho thấy đó là biến đổi có quy luật. Ba là, vào giai đoạn tiền ngôn ngữ các âm giữa bị xát hóa vừa thuộc vào loạt âm đầu vô thanh vừa thuộc vào âm đầu hữu thanh. Như vậy, quy luật xát hóa là một xu thế biến đổi để chuyển tiếng tiền Việt-Mường từ một ngôn ngữ song tiết sang một bộ phận hiện nay là đơn tiết.
Người đọc dễ dàng nhận thấy sự đầu tư công sức rất lớn của tác giả để cuốn sách ra đời. Chuyên luận có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí luận và thực tiễn được thể hiện ở chỗ các vấn đề lí luận được trình bày chủ yếu ở ba chương đầu đã được vận dụng vào nghiên cứu so sánh - lịch sử một nhóm ngôn ngữ cụ thể ở Đông Nam Á ở ba chương cuối. Chuyên luận này thật sự là một sự đóng góp to lớn và hữu ích cho ngành ngôn ngữ học cũng như ngành dân tộc học nước nhà.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách thứ 19 của GS.TS Trần Trí Dõi!
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn