Thay đổi bất cứ cái gì liên quan đến văn tự (chữ viết)
đều là chuyện đại sự của văn hóa
Cách đây hai ngày tôi có đọc bài trên báo Tuổi Trẻ online một thông tin nói rằng Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo được ủy nhiệm chuẩn bị có một thông tư của Bộ Giáo dục đào tạo về việc bổ sung một vài ký tự (F,Z,W,J) vào cách viết tiếng Việt trong sách giáo khoa và hệ thống thông tin trên máy tính (nhà trường ?).
Tôi vô cùng ngạc nhiên về thông tin này. Lại còn ngạc nhiên hơn khi các tác giả có ý định:
1-Tháng 8 ban hành văn bản.
2-Tháng 10 đưa vào thực hiện.
Ngay sau đó, phóng viên báo Tuổi Trẻ có hỏi ý kiến tôi với tư cách một chuyên gia chuyên ngành. May mắn là dư luận đã kịp thời có phản hồi và ý kiến của tôi chưa kịp đăng thì Bộ Giáo Dục đã có văn bản thông báo là Bộ không có chủ trương như vậy và thông tin nói trên chỉ là từ một vài cá nhân thuộc cơ quan nói trên. Tôi rất mừng về thông tin từ Bộ.
Tuy nhiên để góp phần tham khảo cùng bạn đọc, tôi xin phép được thưa vài ý kiến:
1) Chữ viết dùng để ghi tiếng nói của con người. Chữ Quốc ngữ xuất hiện từ thế kỷ XVII, nhưng phải nhờ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công thì 90% dân ta mới biết đọc biết viết chữ này. Nói thế để thấy rằng, để trở thành một hệ thống chữ phổ thông mà mọi người Việt đều dùng là rất công phu và bản thân chữ viết mang theo giá trị lịch sử. Đó là tài sản Quốc gia, là di sản văn hóa của Dân tộc. Bất kỳ một can thiệp nào dù nhỏ nhất cũng phải được sự chuẩn thuận và quyết định bởi Quốc hội và Chính phủ là người đại diện cho nhân dân và pháp luật.
2) Chuyện văn tự không phải là chuyện riêng của Bộ Giáo dục. Nếu có nhu cầu gì đó. Bộ cần báo cáo đề xuất, trình chính phủ và trước đó phải chuẩn bị một hồ sơ chuyên môn cực kỳ nghiêm cẩn với sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành ( Ngữ âm học và Văn tự học trong Ngôn ngữ học) tìm kiếm sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan ( Ban Khoa Giáo, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Di sản Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học,…).
3) Ngay như khi có nhu cầu thì cũng phải tính kỹ. Tiếng Anh, nay là ngôn ngữ dùng trong Quốc tế, cũng còn có nhiều bất lợi khi phát âm khác với chữ viết, nhưng mấy thế kỷ rồi người ta vẫn chưa có ý định bổ sung hay thay đổi gì liên quan đến chữ viết. Nếu để ý sẽ thấy trong từ điển, bên cạnh chữ viết ghi mục từ còn có phần phiên âm quốc tế trong ngoặc [ ] giúp cho phát âm đúng. Trước đây, trong chữ Nga, trên dấu mềm có nét gạch ngang. Để bỏ gạch ngang này, nước Nga phải có sắc lệnh Quốc gia mới đổi được, chứ đâu có chuyện dựa trên thông tư của một cơ quan.
3) Cục Công nghệ thông tin có nói nếu thông tư có hiệu lực, trước hết sẽ áp dụng trong các cơ quan quản lý giáo dục- đào tạo, các nhà trường. Nhưng chữ viết Quốc gia không ai có quyền làm thí điểm. Vẫn còn đó câu chuyện ngành Giáo dục vài mươi năm trước tự động đưa hệ thống ”chữ cải cách” vào nhà trường gây bao phiền hà và thất vọng cho cấp tiểu học, sau đó, tự nhận thấy sai mà bỏ đi. Hồi đó không ai quy kết, chứ như hôm nay thì sự tùy tiện đó là phạm luật.
4) Can thiệp vào văn tự Quốc gia là một vấn đề đại sự về mặt văn hóa, không thể làm bằng cảm xúc hay ý chí của một vài người, càng không nói bằng chữ “tiện hơn” được. Phải khẳng định rằng, mong muốn bổ sung này nọ, thí điểm hay làm gì đó có thể là tốt, nhưng cảm xúc và nhiệt tình không thể thay thế cho tri thức. Không ai nói chữ Quốc ngữ đã hoàn thiện và đắc dụng tuyệt đối. Nhưng làm cho nó tốt hơn thì phải có lộ trình, khoa học và nghiêm cẩn.
Cái gian nan trong nhà trường và xã hội về chữ viết hiện nay theo chúng tôi là ở vấn đề chính tả có nhiều điểm chưa thống nhất, ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục, văn hóa và truyền thông. Hãy tập trung lo chuyện đó trước khi động đến danh sách ký tự của chữ Quốc ngữ. Người xưa nói:” Dục tốc bất đạt” ( Muốn nhanh sẽ hỏng việc), câu này cũng hiểu là bao gồm cho cả việc vội can thiệp vào văn tự khi chưa tính kỹ các mặt.
GS.TS Đinh Văn Đức-
Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học ứng dụng, khoa Ngôn ngữ học-Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn