Kính thưa Anh linh GS. TS. NGND. Hoàng Trọng Phiến,
Thưa toàn thể tang quyến,
Thưa các quý vị đồng nghiệp và các bạn,
Hôm nay, chúng ta tụ họp tại đây để tiễn đưa GS. TS. NGND. Hoàng Trọng Phiến về cõi vĩnh hằng.
Một tên tuổi lớn của nền Ngôn ngữ học Việt Nam, một nhà giáo hiền đức, mẫu mực và vô cùng kính yêu của rất nhiều thế hệ học trò ngành Ngôn ngữ học không còn nữa! Do tuổi cao, sức yếu, Thầy đã vĩnh biệt chúng ta hồi 22 giờ 50 phút ngày 16 tháng 7 năm 2022, tức là ngày 18 tháng 6 năm Nhân Dần.
GS. TS. NGND. Hoàng Trọng Phiến sinh ngày 2/1/1932 (hồ sơ viên chức của Thầy ghi sinh năm 1934) tại làng Khuê Bắc (nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Thầy đã sống những năm tháng tuổi thơ với gia đình bên dòng sông Cẩm Lệ và đi học tại quê nhà. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Thầy rời gia đình lên chiến khu Trung Man (huyện Hòa Vang) vừa học tập, vừa tham gia kháng chiến. Sau hiệp định Giơnevơ, Thầy tập kết ra Bắc và hoàn thiện nốt chương trình học bậc phổ thông ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Về nước năm 1956, thầy trở thành lứa sinh viên khóa đầu (K1) của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy đã có những năm tháng sinh viên sôi nổi, trẻ trung, nhiệt huyết, vừa học tập vừa tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể. Thầy trở thành Bí thư Liên chi đoàn rồi Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên của Trường.
Năm 1959, Thầy tốt nghiệp và được đích thân GS. Nguỵ Như Kon Tum (Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp khi đó) đề nghị giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Thầy say mê văn chương, khát khao trở thành nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học Trung Quốc, nhưng số phận, cũng là “cái duyên” lại đưa thầy đến với Ngôn ngữ học. Vậy là, số phận đã đưa Thầy đến với một “con đường mới”, một “đối tượng mới” (Thầy vẫn từng nói thế), nhưng không lâu sau, Thầy đã nhận ra đây chính là con đường của mình, là tình yêu của đời mình và Thầy đã dành trọn tình yêu cho nó.
Năm 1964, thầy sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Matxcơva với mong muốn được tiếp thu, học hỏi từ một nền ngôn ngữ học lớn của thế giới. Tư chất thông minh vốn có, sự chăm chỉ và lòng say mê, lại được đào tạo ở ngôi trường danh tiếng, tất cả đã góp phần định hình một tài năng, một nhân cách khoa học, đào luyện nên một nhà giáo Hoàng Trọng Phiến nhiệt huyết, say mê, giàu sức sáng tạo và đầy bản lĩnh trong khoa học. Bản luận án tiến sĩ viết bằng tiếng Nga của Thầy đã được Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đánh giá xuất sắc năm 1968. Cũng năm 1968, Thầy về nước và làm việc tại tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại nơi đây, Thầy đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu, đã truyền cảm hứng và niềm khát khao tìm tòi, khám phá ngôn ngữ và ngôn ngữ học cho biết bao thế hệ học trò. Các thế hệ học trò vẫn nhớ về Thầy với phong cách giảng dạy đặc biệt hấp dẫn ở nhiều môn học chuyên ngành như: Phong cách học tiếng Việt, Ngôn ngữ học đại cương, Cú pháp tiếng Việt…. Rất nhiều giáo trình, công trình khoa học của thầy từ lâu đã trở thành những tư liệu tham khảo quý giá cho những người nghiên cứu ngôn ngữ học như Lý thuyết ngữ pháp tiếng Việt, Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Cú pháp tiếng Việt, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Từ điển hư từ tiếng Việt, các sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và hàng trăm bài nghiên cứu khác.
Suốt hơn nửa thế kỷ, Thầy gắn bó với giảng đường Khoa Ngữ văn, rồi Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV. Thậm chí, gần 20 năm sau ngày được nghỉ hưu, Thầy vẫn làm việc không mệt mỏi, góp phần đào tạo thế hệ trẻ cho đến tận những năm tháng cuối đời. Từ những bài giảng của Thầy, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, lập thân và lập nghiệp. Thầy đã góp phần đào tạo nên hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Ngôn ngữ học. Nhiều người trong số các học trò của Thầy đã trở thành những nhà khoa học tài danh, những nhà giáo xuất sắc. Nhiều sinh viên nước ngoài Thầy từng dạy tiếng Việt sau này đã trở thành những nhà ngoại giao giỏi, những sứ giả kết nối bạn bè năm châu với Việt Nam. Uy tín của Thầy không chỉ giới hạn trong giới Ngôn ngữ học nước nhà mà đã lặng lẽ vươn xa, lan tỏa và được khẳng định tại nhiều cơ sở đào tạo đại học trên thế giới. William Arthur Ward đã từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Tất cả các thế hệ học trò đều cảm thấy tự hào vì mình may mắn được Thầy truyền cho cảm hứng ấy.
Hơn 70 năm tuổi Đảng, hơn 60 năm tuổi nghề, bên cạnh vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên (từ 1959 đến 1962) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thầy Hoàng Trọng Phiến còn có nhiều đóng góp cho Trường trong tư cách là một nhà quản lý. Từ năm 1971 đến 1973, Thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn), năm 1973 đến 1984, thầy giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), từ năm 1984 đến khi nghỉ hưu, thầy nhiều năm là Bí thư chi bộ, rồi trở thành giáo sư Khoa Ngôn ngữ học. Thầy cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) từ năm 1989 đến 1992. Đặc biệt, Thầy là người đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ Đảng của người Việt tại Nhật lúc bấy giờ. Ở bất cứ cương vị nào, thầy cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phần thưởng dành cho thầy, cao hơn tất cả những huân chương, huy chương, bằng khen là lòng kính yêu, cảm phục của các đồng nghiệp và học trò.
Kính thưaquý vị, thưa toàn thể tang quyến,
Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực, một nhà khoa học tài năng, GS. Hoàng Trọng Phiến còn là một người chồng, người cha, người ông hiền từ, hết mực yêu thương gia đình, con cháu. Thấp thoáng phía sau những thành công của Thầy là hình ảnh cô Dương Thị Liễu Chi dịu dàng, nhân ái mà Thầy luôn nhắc đến với tràn đầy tình yêu, lòng cảm phục và sự biết ơn chân thành. Ba người con của Thầy, người được đào tạo trong nước, người được tu nghiệp ở nước ngoài về, đều đã trưởng thành, thành đạt, các cháu nội – ngoại đều chăm ngoan, học giỏi. Đây là quả phúc tròn đầy mà số phận đã dành tặng một con người cả đời sống bằng tình yêu. Thầy sinh ra là để yêu: Thầy yêu cuộc sống, yêu gia đình, yêu Ngôn ngữ học, Thầy yêu thương tất cả đồng nghiệp, bè bạn, học trò. Thầy đã sống hết mình với cuộc đời, với tất cả tình yêu sôi nổi, nhiệt thành và sự nhân hậu, bao dung hiếm thấy.
Trong mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học, Thầy đã cho xuất bản 7 cuốn sách và công bố hàng trăm bài báo. Thầy là tấm gương sáng về tinh thần lao động cần cù, sức học tập, làm việc không mệt mỏi. Sau quá trình học tập, lao động, miệt mài đóng góp vào sự lớn mạnh của Ngôn ngữ học Việt Nam, Thầy được nhận chức danh Giáo sư năm 2000, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cao quý năm 2008. Với những đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Thầy được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (1961); Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1985); Huy chương vì thế hệ trẻ (1988); Huân chương Lao động hạng Ba (2000); Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nhiều bằng khen, giấy khen và phần thưởng cao quý khác.
Kính thưa quý vị và các bạn!
GS. TS. NGND. Hoàng Trọng Phiến đã rời xa chúng ta mãi mãi!
Tất cả chúng ta cùng hiện diện ở đây, giây phút này để chia tay mãi mãi với một nhà khoa học lớn và một nhà giáo tận tâm với nghề, một người Thầy đáng kính, suốt đời say sưa truyền cảm hứng và tình yêu Ngôn ngữ học cho mọi thế hệ học trò.
Thầyvẫn đang ở bên chúng ta, dõi theo chúng tabằng ánh mắt trìu mến, nụ cười hồn hậu mà chúng ta vẫn thấy. Thầy vẫn đang cầu mong những điều tốt lành nhất cho tất cả chúng ta như Thầy vẫn vậy, suốt đời vẫn vậy. Chúng ta ở đây, lúc này, để vĩnh biệt và cầu chúc cho Thầy được bình yên, thanh thản về gặp cha mẹ, tổ tiên.
Kính thưa toàn thể tang quyến.
Trong giờ phút buồn đau này, từ trong sâu thẳm, thay mặt cán bộ, viên chức Trường Đại học KHXH&NV cùng bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của GS. TS. NGND. Hoàng Trọng Phiến, chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và xin gửi tới gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.
Xin tất cả chúng ta dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân GS. TS. NGND. Hoàng Trọng Phiến và cùng đưa tiễn Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng./.
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn